Tác hại của rượu bia đối với gan

CÂU CHUYỆN BA ANH EM 

Phòng khám đông người là chuyện thường tình trong bối cảnh hiện nay ở nước mình. Tuy vậy, hình ảnh nhiều người trong cùng gia đình dẫn nhau đến khám bệnh không phải là điều thường gặp. Điều đó càng hiếm hơn nữa khi người bệnh là ba anh em đến từ một nơi cách xa thành phố nhiều trăm cây số. 


Ba anh em họ Trần không chỉ có điểm tương đồng về huyết thống. Họ có chung thói quen nhâm nhi cả sáng lẫn chiều. Không có gì khó hiểu khi xứ sở của họ, đồng bằng sông Cửu Long, không thiếu món đưa cay. Cả ba bây giờ lại có thêm một điểm tương đồng. Cả ba đều mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, táo bón, dị ứng... 



Hãy giữ gan luôn khỏe mạnh
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cả ba, tuy không bị viêm gan siêu vi, nhưng đều có lượng men gan tăng rất cao trong máu. Không có gì lạ nếu lá gan của cả ba anh em đều bị thương tổn thấy rõ, khi cả ba cùng dùng bia và rượu đế nhiều hơn nước lã! Điểm lý thú hơn nữa là cả ba đồng tình đến thầy thuốc với dự kiến trở về ngay trong ngày với toa thuốc nào đó trên tay, nghĩa là mượn thuốc để tiếp tục chén tạc chén thù. Trái với dự đoán của họ, anh thầy thuốc cắc cớ, sau khi giải thích rõ ràng về cơ chế hại gan của độ cồn, đã quyết định không cho viên thuốc nào hết mà chỉ đặt điều kiện cả ba bệnh nhân phải ngưng hay tối thiểu giảm rượu trong bốn tuần rồi trở lại tái khám. 

Kết quả xét nghiệm bốn tuần sau đó bất ngờ dẫn đến kết quả rất lý thú. Hàm lượng men gan trong máu của Trần A, người anh cả, người đã cắn răng không động đến giọt rượu nào trong bốn tuần liên tục, đã trở về trị số bình thường! Men gan trong máu của Trần C, người em út, người đã kiên trì chịu trận với chỉ một ly bia cho mỗi bữa cơm, cũng đã giảm thiểu rất nhiều, dù Trần C không có viên thuốc nào trong thời gian qua. Trị số xét nghiệm máu của Trần B, người không thể bỏ rượu, thì ngược lại,tăng cao gấp đôi lần trước, cho dù Trần B vẫn uống rượu với lượng như xưa nay. Nếu chỉ xét về mặt luận lý khoa học thì điều này có vẻ bất hợp lý? Không, hoàn toàn hợp lý. Lá gan của Trần B đã suy sụp sau chấn động tâm lý, khi gia chủ biết rõ mình đã bệnh nặng nhưng không chấp nhận thực tế. Trần B có thể tự đánh lừa anh ta, nhưng lá gan thì không! 


Ba tháng điều trị phục hồi đã trôi qua. Trần A bây giờ đã bỏ rượu. Trần C cũng đã khỏe mạnh với trị số men gan trong giới hạn bình thường. Theo Trần C, ly bia bây giờ dường như ngon hơn lúc trước. Trần B thì không trở lại phòng mạch sau lần xét nghiệm thứ hai. Anh ta có quyền quyết định như thế. Đúng hay sai là chuyện khác. 


Với thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm với bệnh gan do rượu thì câu chuyện về ba anh em họ Trần chắc chắn không có gì mới lạ. Lá gan là một cơ quan không chỉ có chức năng đa dạng. Lá gan là một nội tạng xuất sắc về khả năng phục hồi. Cho dù bị thương tổn nặng nề, gan vẫn có nhiều hy vọng giữ vững chức năng như mong muốn để làm tròn nhiệm vụ, miễn là gan còn giữ được một lượng tế bào lành mạnh tối thiểu, và quan trọng hơn nữa, khi gan được nghỉ ngơi trong một thời gian nào đó. 


Đây lại chính là điểm dễ quên trong phác đồ điều trị của nhiều thầy thuốc. Cứ tưởng cho nhiều thuốc thì mau lành bệnh, sẽ là sai nếu lá gan đang mỏi mệt vì thuốc uống vào phải được chuyển hóa. Ở đâu? Còn đâu ngoài lá gan một đời tận tụy! Nếu thuốc còn thừa sức hành tội lá gan thì nói chi đến độc chất trong hóa chất gia dụng, thuốc lá, trong rượu! Đã có quá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy gan rất dễ phục hồi mà không cần chi đến biện pháp phức tạp. Chỉ cần cho gan ngưng tiếp xúc với độc chất hại gan. Uống thuốc trị bệnh gan mà không nghỉ uống rượu thì hoàn toàn vô ích! Trong ngôn ngữ bình dân nước mình, tiếng “bịp” thường gắn liền với chữ “bợm”. Không bỏ nổi “nghề” bợm nhậu thì tất cả biện pháp điều trị bệnh viêm gan do rượu chỉ là bịp lá gan


Rượu rõ ràng là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực. Bỏ rượu 100% thì đúng là quá uổng, vì nhiều món ăn nếu không có chút rượu đi kèm thì thà đừng nếm còn hơn. Nhưng nếu còn nhớ đến lá gan thì xin đừng quên hai tiếng “tiết độ” đang lúc uống rượu và “bảo vệ” sau khi cạn chén. Nếu dùng ngôn ngữ quảng cáo của các đài truyền hình thì đúng là “chuyện nhỏ”, nhưng lại là “chuyện không của riêng ai”, nếu ẩm khách không “vượt lên chính mình” mà cứ tiếp tục “chung sức” bên bàn nhậu thì sớm muộn cũng đến lúc ngay cả thần y Hơ Jun (phim vừa chiếu xong trên VTV3) đành bó tay khi “đi tìm ẩn số”! 



Câu chuyện về ba anh em họ Trần là chuyện có thật. Tin hay không là quyền của người nghe                                                                                                             BS_Lương Lễ Hoàng


Nhận xét